Nguồn bài viết: Luật Đất đai 2013
Luật Đất đai năm 2013 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014 thay thế Luật Đất đai 2003.
Luật này quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với bài viết dưới đây chúng tôi Luật Quang Huy sẽ trình bày nội dung cụ thể của Luật Đất đai 2013.
1. Tóm tắt nội dung Luật Đất đai 2013
Luật Đất đai 2013 được ban hành đã thể chế đầy đủ về các vấn đề chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Đất đai 2013 có 14 chương, 212 điều luật, bao gồm:
- Chương 1. Quy định chung
- Chương 2. Quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai
- Chương 3. Địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất đai
- Chương 4. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Chương 5. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
- Chương 6. Thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Chương 7. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Chương 8. Tài chính về đất đai, giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất
- Chương 9. Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai
- Chương 10. Chế độ sử dụng các loại đất
- Chương 11. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất
- Chương 12. Thủ tục hành chính về đất đai
- Chương 13. Giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai
- Chương 14. Điều khoản thi hành
Luật Đất đai 2013 sau khi được triển khai vào giữa năm 2014 đến nay đã tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho công cuộc quản lý đất đai của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.
Do đó, mỗi cán bộ, công chức, người sử dụng đất, tổ chức kinh tế, chủ đầu tư cần tìm hiểu, nắm bắt những quy định của Luật Đất đai 2013 để vận dụng vào trong cuộc sống và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình.
- Luật Đất đai 2013
2. Nội dung Luật Đất đai 2013
Luật Đất đai 2013 được ban hành ngày 29/11/2013 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2014 có nội dung cụ thể như sau:
3. Điểm mới của Luật Đất đai năm 2013
So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều. Theo đó, Luật đất đai mới đã có những điểm mới quan trọng sau.
Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 quy định việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều 11; Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009; Đối với trường hợp không có giấy tờ quy định như trên thì việc xác định loại đất thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai, Luật Đất đai 2013 cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: Quy định rõ các quyền của Nhà nước đối với đất đai như quyền của đại diện chủ sở hữu, quyền quyết định mục đích sử dụng đất, quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, quyền quyết định thu hồi- trưng dụng đất đai, quyền quyết định giá đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai…; đồng thời Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai như: quy định rõ 15 nội dung quản lý của Nhà nước đối với đất đai; trách nhiệm cụ thể của Nhà nước về quản lý đất đai;
Thứ ba, Luật đất đai năm 2013 đã bổ sung những nội dung chính trong việc điều tra cơ bản, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội mà Luật Đất đai năm 2003 chưa có quy định cụ thể như: Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; quy định các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai…
Thứ tư, Luật quy định cụ thể rõ ràng chi tiết từ các nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch như: Lấy ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định chi tiết đến từng giai đoạn như: căn cứ lập quy hoạch, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, thẩm quyền thẩm định quy hoạch, thẩm quyền quyết định – điều chỉnh quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, công bố công khai, thực hiện và báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ năm, Luật quy định đầy đủ, rõ ràng và chi tiết các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi. Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định chế tài mạnh để xử lý đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Luật cụ thể các vấn đề bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất ở như nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở,…
Thứ sáu, Luật đã tiếp cận và thể hiện đầy đủ về vấn đề tài chính đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội; phù hợp với quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luật cũng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn.
4. Cơ sở pháp lý
- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề Luật Đất đai 2013 theo quy định của pháp luật hiện hành.
Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc.
Trân trọng ./.
Nguồn bài viết: Luật Đất đai 2013
Xem bài viết gốc tại https://luatquanghuy.vn/luat-dat-dai-2013/